Cách nấu lẩu gà lá giang với mùi thơm ngon, mang vị thanh chua luôn là chất kích thích vị giác, có tác dụng hạ nhiệt giải độc, và rất tốt cho sức khỏe làm cho người dùng khi thưởng thức xong khó lòng quên được nhưng lại không quá phức tạp.
Lẩu gà lá giang – Một món ăn được rất nhiều người dân Việt Nam yêu thích bởi vị chua thanh tự nhiên từ lá giang sẽ làm thay đổi khẩu vị, có tác dụng giải cảm hoặc giải nhiệt rất hiệu quả. Vị thơm ngon của gà, vị chua thanh ngọt của lá giang cùng với xả ớt cay cay chắc chắn sẽ làm ngất ngây người thưởng thức.
Món lẩu còn có tính thanh nhiệt và giảm đau hiệu quả đối với những người bị xương khớp. Vậy nên, lẩu gà lá giang là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa cơm gia đình vì chế biến đơn giản và dễ dàng tìm mua nguyên liệu.
Cách nấu có khó không? Đương nhiên là không, bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau đây là có thể có được một nồi lẩu gà lá giang ngon đúng vị rồi đấy. Hãy cùng Gicungco, tìm hiểu qua cách thực hiện nhé!
Cách nấu lẩu gà lá giang thanh mát thay cho bữa cơm cuối tuần:
Nguyên liệu làm Lẩu gà lá giang:
Gà ta: 1 con (khoảng 1.6kg)
Lá giang: 250 gr
Hành tím: 3 củ
Gừng: 1 củ
Tỏi: 4 tép
Ngò gai: 3 nhánh (mùi tàu)
Ớt: 2 trái
Dầu ăn: 1 muỗng canh
Gia vị thông dụng: 1 ít (Đường/ muối/ bột ngọt/ hạt nêm)
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon:
Cách chọn mua thịt gà tươi sạch, an toàn:
- Quan sát kỹ phần da của gà và phần lớp mỡ bên trong, nếu bên ngoài da màu vàng mà những lớp mỡ bên trong có màu trắng thì đó là loại gà đã bị nhuộm màu, tuyệt đối không được chọn.
- Gà ta ngon sẽ có phần da mỏng, mịn và có tính đàn hồi cao, thịt gà tươi sẽ không có mùi hôi, và lưu ý không chọn loại gà có mùi thuốc kháng sinh, để ý nếu thấy trên da gà có các vết bầm hay tụ máu chúng ta cũng nên loại và không mua.
Cách chọn mua lá giang tươi:
- Lá giang ngon nhất là lá vừa mới hái, còn xanh mướt, không bị héo và không bị hư sâu. Chọn mua những lá còn nguyên, không dập nát, không có nhiều đốm trắng hoặc đen trên lá.
- Để làm món ăn được ngon bạn nên chọn lá giang không quá già cũng không quá non, thì sẽ có được vị chua tự nhiên và tươi ngon hơn.
- Trường hợp nếu mua nhiều lá giang mà không sử dụng hết, bạn có thể cất ngay lá vào trong tủ lạnh, không cần rửa trước vì có thể làm hư lá.
Cách chế biến Lẩu gà lá giang:
Sơ chế thịt gà:
– Gà ta bạn mua con đã làm sẵn để tiết kiệm thời gian, khi mua về bạn lấy khoảng 1 muỗng canh muối chà xát lên toàn bộ bề mặt gà và để khoảng 3 – 5 phút, cho da gà được sạch và khử mùi hôi gà, sau đó bạn rửa lại vài lần với nước sạch và để ráo.
– Tiếp đó, bạn dùng dao chặt thịt gà thành các khúc vừa ăn.
Ướp thịt gà:
– Bạn cho phần thịt gà đã chặt vào 1 cái thau, cho thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 1 muỗng canh nước mắm vào thau, sau đó trộn đều và để ướp gà trong khoảng 30 phút cho gà thấm gia vị.
Sơ chế các nguyên liệu khác:
– Bạn lột vỏ 4 tép tỏi, sau đó đập dập rồi băm nhỏ.
– Với 3 củ hành tím bạn cũng đập dập, 1 củ gừng bạn rửa sạch sau đó bạn cũng đập dập ra.
– Còn 3 nhánh ngò gai bạn rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn và 2 trái ớt bạn bỏ phần cuống đi rồi cắt khúc vừa ăn.
– Đối với 250gr lá giang bạn nhặt lấy lá rồi rửa thật sạch, sau đó bạn dùng tay vò dập lá giang để khi nấu lẩu được chua và ngon hơn.
Xào sơ thịt gà:
– Bắc 1 cái nồi lên bếp, bạn cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng bạn cho tỏi băm vào phi cho thơm.
– Sau đó, bạn cho phần thịt gà đã ướp gia vị vào xào sơ với lửa vừa khoảng 5 phút cho thịt gà săn lại là được.
Cách nấu lẩu gà lá giang:
– Sau khi gà đã săn lại, bạn cho vào nồi thịt gà 1.5 lít nước sôi vào nấu cho nhanh nhé. Vẫn có thể cho nước lạnh vào nhé.
– Tiếp tục, bạn cho vào nồi gừng và hành tím đập dập, nấu cùng với lửa vừa đến khi nước sôi rồi đợi tiếp khoảng 20 – 30 phút cho gà chín vừa ăn.
– Tiếp đó, bạn cho từ từ phần lá giang vào rồi cho thêm 1 muỗng canh đường và 1 muỗng canh muối. Bạn có thể nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình nhé.
– Bạn đun thêm 5 phút rồi cho ngò gai và ớt cắt khúc vào rồi tắt bếp.
Lưu ý: Không nấu quá lâu gà sẽ mềm chứ không còn dai ngon.
Thành phẩm:
– Nồi lẩu gà ta nóng hổi, thơm ngon, từng thớ thịt gà dai dai săn chắc, nước lẩu ngọt thanh chấm phá thêm vị chua nhè nhẹ từ lá giang và vị cay the của ớt, được nêm nếm kỹ vô cùng đậm đà.
– Với món lẩu gà này, bạn có thể ăn kèm với các loại rau như hoa chuối, rau muống, mồng tơi,… thêm 1 tô bún nữa là có thể mời cả nhà cùng thưởng thức rồi.
Cách nấu lẩu gà lá giang và măng chua ngon đúng điệu:
Nguyên liệu cần thiết:
800g thịt gà
200g măng chua
150g lá giang
200g nấm rơm
3 củ hành tím
4 tép tỏi
3 cây sả
Rau ăn kèm: bông chuối, rau muống bào…
Rau nêm: rau om, ngò gai
Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, đường cát, đường phèn, muối, nước mắm
Các bước thực hiện bao gồm:
Sơ chế nguyên liệu:
- Sả rửa sạch, băm nhỏ 1 cây, 2 cây còn lại đập dập cắt khúc.
- Hành tím, tỏi băm, ớt băm nhỏ.
- Lá giang rửa sạch, vò sơ qua cho lá hơi dập, để ráo.
- Măng chua rửa sạch 2 – 3 lần sau đó ép cho ráo nước.
- Rau nêm rửa sạch, cắt khúc nhỏ.
- Rau nhúng ăn kèm rửa sạch, để ráo.
- Nấm rơm rửa sạch.
Chế biến gà:
- Gà sau khi mua về, rửa sạch với muối. Sau đó, bạn chặt miếng vừa ăn sao cho phù hợp với gia đình.
- Tiếp tục, bạn đem đi ướp với hành tím, tỏi, ớt, sả băm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1.5 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê nước mắm trong khoảng 30 phút cho thật thấm gia vị.
Xào gà:
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, trút sả cây, tỏi băm vào phi thơm. Nhớ là, đừng để vàng quá sẽ khét và ăn sẽ đắng.
- Sau đó, bạn cho hết phần thịt gà vào và xào cho săn lại là được.
Cách nấu lẩu gà lá giang gồm các bước:
- Khi thịt gà săn lại, bạn cho vào khoảng 1,5 lít nước đun cho đến khi gà mềm (khoảng 15 phút)
- Tiếp tục cho lá giang, măng chua, nấm vào và nêm 50g đường phèn, 1 muỗng cà phê muối đun thêm khoảng 2 – 3 phút nữa là ổn.
- Cuối cùng, bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa với khẩu vị của mình, cho rau nêm vào và tắt bếp.
Trình bày và thưởng thức:
- Múc lẩu gà lá giang ra nồi lẩu mini, đun sôi rồi nhúng các loại rau ăn kèm vào. Bạn có thể thưởng thức cùng bún, chấm kèm với nước mắm mặn.
- Múc ra nồi lẩu và nhúng cùng các loại rau ăn kèm
Yêu cầu thành phẩm:
- Nước lẩu ngọt thanh, có vị chua nhẹ của lá giang và măng chua.
- Thịt gà dai ngọt, vừa chín tới.
- Măng có vị chua, giòn, không chín nát.
Lẩu gà lá giang ăn với rau gì?
Rau nêm trong LẨU GÀ LÁ GIANG thường là: hành lá, rau om, ngò gai. Các loại rau nhúng ăn kèm thường là: rau muống, hoa chuối bào, bông so đũa, rau nhút, bông thiên lý, rau đắng các loại nấm…
Lẩu gà lá giang có thể ăn kèm với nhiều loại rau khác nhau
Một số lưu ý khi nấu:
– Thịt gà không nên chặt quá nhỏ vì khi nấu chín thịt rất dễ bị co vụn nát.
– Vò sơ lá giang trước khi cho vào nấu để lá giang có thể tiết hết vị chua thanh ra nước lẩu.
– Nên xào gà trước khi đổ nước vào nấu để thịt gà thêm săn chắc và thấm vị.
– Bạn có thể cho ½ số lá giang vào nấu trước, số còn lại cho vào nhúng sau cùng các loại rau khác để tránh làm cho nước lẩu quá chua.
– Tránh nấu lẩu gà trong nồi nhôm, vì món ăn có chất chua có thể ăn mòn nhôm, làm nồng độ nhôm trong nước lẩu tăng cao, có thể gây ngộ độc, nên dùng các loại nồi inox hay tráng men là tốt nhất.
– Cho 1 củ hành khô nằm trong nồi nước lèo nhe, việc này làm cho nước lèo ngon hơn rất nhiều luôn đấy.
Chỉ với vài bước đơn giản cùng nguyên liệu dân dã dễ tìm là bạn đã có thể làm ra món lẩu gà lá giang nóng hổi thanh mát siêu ngon để nhâm nhi vào ngày ngày mùa mưa cùng với gia đình, bạn bè rồi! Chúc các bạn thành công!
Một số công dụng hay ho từ cây lá giang:
Cây lá giang được biết đến là một loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh rất tốt đối với con người. Loại cây này thường phân bố ở các khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, và có cả ở Việt Nam. Thân cây lá giang có thể dài tới 4m, mọc hoang dại ở ven sông, suối hoặc ở những nơi nhiều ánh sáng.
Người dân địa phương thường dùng lá giang để chế biến rất nhiều món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng như xào thịt bò, gà hay canh chua cá nước ngọt đều rất tuyệt vời.
Cây lá giang không chỉ dùng để chế biến món ăn mà còn được sử dụng để chữa bệnh:
Vậy công dụng của loại thực vật này là gì? Cây lá giang có khả năng chữa trị được bệnh gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
– Cả rễ, thân và lá của cây lá giang đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Trong thân loại cây này có chứa hàm lượng chất kháng sinh cao. Giã lẫn lá giang với lá khoai lang làm nước uống có thể chữa ngộ độc thức ăn. Ngoài ra còn có thể hỗ trợ điều trị chứng đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, đau mỏi, nhức xương khớp.
– Lá giang có tính mát, nấu canh hoặc luộc để ăn rất tốt trong điều trị mụn nhọt, lở loét. Nhiều công dụng khác của lá giang có thể kể đến như chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính, phong thấp, sưng tấy, viêm đường ruột,…
Vị thuốc từ lá giang giúp điều trị viêm đường tiết niệu:
Trong đông y, bài thuốc dùng lá giang để chữa bệnh viêm đường tiết niệu như sau:
- Dùng 100 gram lá giang còn tươi hoặc phơi khô sắc nước uống liên tục trong 15 ngày sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Dùng thân cây làm trà uống hàng ngày cũng rất tốt trong điều trị bệnh.
Bài thuốc từ lá giang điều trị trướng bụng, đầy hơi và ăn không tiêu:
- Khi bị đầy bụng, khó tiêu, chỉ cần dùng lá giang sắc nước uống trong 5 ngày sẽ điều trị được chứng bệnh này.
Sử dụng vị thuốc từ lá giang để điều trị viêm bàng quang:
- Trong đông y có lưu truyền bài thuốc điều trị sỏi tiết niệu, viêm bàng quang bằng lá giang là món canh gà nấu lá giang. Món ăn này vừa có hương vị thơm ngon, rất bổ dưỡng vừa giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc ở những người phong hàn thấp tý, sản hậu băng huyết, lao thương khí huyết, xuất huyết, trĩ xuất huyết, huyết trắng, suy nhược cơ thể,…
Lá giang có khả năng điều trị mụn nhọt, lở ngứa ngoài da và vết thương:
- Giã nát lá giang đắp lên vết thương sẽ giúp vết thương kháng khuẩn và nhanh lành hơn.
Tham khảo và tổng hợp từ các nguồn tin khác nhau.