Covid-19 được coi là một bệnh truyền nhiễm dạng nặng do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Hầu hết người mắc bệnh COVID-19 sẽ gặp các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và hồi phục mà không cần phải điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, một số người sẽ chuyển bệnh nặng hơn, nghiêm trọng và cần được hỗ trợ y tế để có thể duy trì mạng sống và phục hồi sau này. Lỡ không may có thể gây tử vong cho bệnh nhân.
Vi-rút này có thể lây từ miệng hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh dưới dạng các giọt nhỏ khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện, hát hoặc thở. Những giọt này có kích thước từ các giọt bắn lớn theo đường hô hấp cho đến các sol khí nhỏ.
Bạn có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải vi-rút nếu đang ở gần người nhiễm COVID-19 hoặc chạm vào bề mặt có vi-rút rồi lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng. Vi-rút dễ lây lan hơn trong nhà và ở những nơi đông đúc.
Hiện nay, biến thể của thể Covid-19 đã biến chủng mạnh hơn và tốc độ lây lan đáng sợ hơn bao giờ hết. Chúng ta hãy thông qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chúng nhá!
Biến thể Delta là gì? Delta – B.1.617.2
– Người dân trên thế giới đang lo ngại về biến thể Delta rất dễ lây lan và mạnh mẽ của vi-rút SARS-CoV-2. UNICEF đã thu thập những thông tin mới nhất từ các chuyên gia để trả lời một số câu hỏi phổ biến nhất về biến thể mới này và sẽ tiếp tục cập nhật bài viết khi có thêm thông tin.
– WHO đã gọi biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 là một biến thể đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này. Khi biến thể Delta được xác định, biến thể này lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 10/8, theo báo cáo, biến thể Delta đã xuất hiện ở 142 quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục lan rộng.
Biến thể Delta có nguy cơ dễ lây lan hơn hay không?
– Đương nhiên là có. Biến thể Delta có nguy cơ lây lan cao gấp khoảng hai lần so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa tương tự như không đi đến nơi đông người, giữ khoảng cách với người khác và đeo khẩu trang vẫn mang lại hiệu quả trước biến thể Delta.
Các loại vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả trước biến thể Delta không?
– Tất nhiên là có. Các loại vắc xin COVID-19 được WHO phê duyệt vẫn mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh trở nặng và các trường hợp tử vong, bao gồm cả hiệu quả trước biến thể Delta. Hãy tiêm vắc xin khi đến lượt. Nếu loại vắc xin bạn tiêm cần phải tiêm hai liều, cần tiêm đủ liều để đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất.
– Các loại vắc xin bảo vệ hầu hết tất cả mọi người khỏi việc nhiễm bệnh, nhưng không có loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Một số ít người được tiêm chủng có thể mắc COVID-19 – trường hợp này được gọi là nhiễm trùng đột phá; tuy nhiên những người này có thể sẽ gặp các triệu chứng nhẹ hơn. Đây là lý do tại sao cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung nếu bạn sống trong một khu vực có mức độ lây lan COVID-19 cao.
Trẻ em có nhiều khả năng mắc biến thể Delta hơn hay không?
– Biến thể Delta không nhắm mục tiêu cụ thể đến trẻ em. Tất cả các nhóm tuổi đều có sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm. Tuy nhiên, biến thể Delta dễ lây lan hơn các chủng khác và những đối tượng tiếp xúc với nhiều người và chưa được tiêm chủng sẽ dễ lây nhiễm biến thể Delta hơn.
Tôi có thể làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước biến thể Delta?
Luôn cập nhật thông tin về mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng và làm theo hướng dẫn của địa phương. Nhìn chung, mức độ lây lan càng cao thì nguy cơ tiềm ẩn mắc COVID-19 ở những nơi công cộng càng cao.
Dưới đây là một số biện pháp then chốt giúp bạn bảo vệ bản thân và những người thân xung quanh bạn:
- Tránh nơi đông người và giữ khoảng cách với những người khác.
- Giữ không gian trong nhà thông thoáng (có thể thực hiện đơn giản bằng cách mở cửa sổ).
- Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng và nơi không thể thực hiện giãn cách vật lý.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước hoặc cồn.
- Tiêm vắc xin khi đến lượt. Các vắc xin phòng COVID-19 được WHO phê duyệt đều an toàn và hiệu quả.
Biến thể Delta Plus là gì?
– Biến thể Delta Plus chứa một đột biến mới trên protein gai nhọn mà vi-rút sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người. Do có liên hệ chặt chẽ với biến thể Delta, biến thể này được gọi là Delta Plus thay vì được đặt tên theo các chữ cái khác trong bảng chữ cái Hi Lạp. Cho đến hiện tại, biến thể Delta Plus được tìm thấy với số lượng tương đối thấp.
Tổng quan về biến chủng Omicron – B.1.1.529:
– Sự xuất hiện của biến chủng Omicron mới bắt đầu hạn chế việc đi lại của một số quốc gia trên thế giới và lo ngại toàn cầu về nguy cơ tái nhiễm gia tăng. Hiện các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để “giải mã” Omicron- biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.
- Biến thể mới Omicron chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp hôm 26/11 (theo giờ Việt Nam).
- Ban đầu nó được gọi là B.1.1.529, lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi vào ngày 9/11, được báo cáo lần đầu cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11.
– Biến chủng Omicron được phát hiện có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Những thay đổi này cho thấy virus SARS-CoV-2 đã thích nghi tốt hơn đối với cơ thể người.
Các triệu chứng COVID-19 do biến chủng Omicron gây ra:
– Các bác sĩ ở Nam Phi là những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về chủng vi khuẩn mới. Theo họ, các triệu chứng COVID liên quan đến biến thể Omicron là “cực kỳ nhẹ”.
- Hầu hết các trường hợp mới nhiễm ở Nam Phi là ở những người trong độ tuổi 20 và 30 – nhóm tuổi thường có các triệu chứng COVID-19 nhẹ hơn trong mọi trường hợp.
- Họ cảnh báo rằng những người lớn tuổi bị nhiễm biến thể mới có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
– Theo một bác sĩ đa khoa ở tỉnh Gauteng – nơi có 81% các trường hợp nhiễm biến chủng mới, hầu như các bệnh nhân chỉ bị rất nhẹ, với những triệu chứng giống như cúm: Ho khan, sốt, đổ mồ hôi đêm, đau cơ thể.
Các triệu chứng COVID-19 do biến chủng Delta và Alpha gây ra:
– Các triệu chứng của biến chủng Delta tương tự như của chủng Alpha COVID (B.1.1.7), nhưng được cho là giống cảm lạnh hơn với biểu hiện đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt. Trong khi đó, các triệu chứng phổ biến nhất của B.1.1.7 – biến thể COVID đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh, bao gồm mệt mỏi, đau đầu, đau họng, sốt hoặc mất vị giác và khứu giác.
– Theo các nhà khoa học, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha COVID, nghĩa là số người có khả năng bị nhiễm và dương tính với COVID cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vẫn chưa thể thống kê chính xác về khả năng phát tán với biến thể Omicron vì chúng chỉ mới xuất hiện gần đây..
Bị nhiễm COVID-19 từ trước có hiệu quả đối với biến thể Omicron?
- Theo WHO, các bằng chứng ban đầu cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc với biến thể Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác.
Trẻ em có nguy cơ mắc biến thể Omicron cao hơn không?
- Các nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron đang được tiến hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin. Tuy nhiên, những người thường xuyên có tiếp xúc ngoài xã hội và những người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Tại sao biến chủng Omicron lại đáng lo ngại?
– Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại Omicron vào nhóm là “biến thể đáng lo ngại”. Nghĩa là đã có bằng chứng gia tăng khả năng lây truyền, bệnh nặng hơn (ví dụ tăng số ca nhập viện hoặc tử vong), giảm đáng kể khả năng của các kháng thể được tạo ra do nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng trước đó, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị hoặc vắc-xin hoặc gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán.
– Các biến thể đáng lo ngại, bao gồm Alpha, Beta, biến chủng Delta và bây giờ là Omicron, đã cho thấy khả năng lây lan dễ dàng hơn, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vắc-xin và các biện pháp chống COVID khác.
Chúng ta nhận định Covid-19 nghiêm trọng đến mức nào?
– Chuyên gia về COVID-19 của WHO cho biết: Bằng chứng ban đầu về Omicron cho thấy biến thể này có một số lượng lớn các đột biến, làm tăng nguy cơ tái nhiễm so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao khác. Nói cách khác, những người đã từng nhiễm COVID và đã phục hồi có thể bị mắc bệnh lại với biến thể này.
– Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin COVID-19 có hiệu quả chống lại cả biến thể Alpha và biến chủng Delta. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả của vắc-xin chống lại biến thể COVID Omicron mới này là như thế nào.
Tóm lại, biến thể Omicron có nhiều đột biến nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chủng Delta.
Vì thế, sau khi được tiêm phòng Covid – 19 bạn vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đưa ra:
- KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác ít nhất 2m.
- KHÔNG TẬP TRUNG: không tập trung đông người.
- KHAI BÁO Y TẾ: Thực hiện khai báo Y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095, hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Những điều quý vị cần biết để bảo vệ bản thân và gia đình:
- Dự kiến sẽ tiếp tục có các biến thể mới của vi-rút này.
- Việc làm chậm sự lây lan của vi-rút này bằng cách tự bảo vệ bản thân và người khác, có thể làm chậm tiến trình xuất hiện biến thể mới.
- Biến thể Omicron gây lây nhiễm nhiều hơn và lây lan nhanh chóng hơn chủng vi-rút SARS-CoV-2 ban đầu gây bệnh COVID-19.
- CDC đang làm việc với các nhân viên y tế công tiểu bang và địa phương để theo dõi tình hình lây lan của tất cả các biến thể, trong đó có Omicron.
- Việc tiêm vắc-xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong do COVID-19. Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đầy đủ, đúng hạn, trong đó có tiêm nhắc khi đủ điều kiện, sẽ làm tăng khả năng phòng bệnh cho quý vị..
Theo nguồn tổng hợp.